Quan hệ thương mại hàng hóa song phương giữa Việt Nam – Ấn Độ đang ngày càng có những bước phát triển tốt hơn về chất và lượng, đặc biệt là kể từ năm 2010, năm Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AITIG) bắt đầu có hiệu lực.
Số liệu thống kê hải quan cho thấy, trong giai đoạn 2010 - 2014, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước liên tục đạt tốc độ tăng trưởng dương, từ mức 2,75 tỷ USD của năm 2010 tăng gấp 2 lần lên mức 5,62 tỷ USD của năm 2014.
Bước sang năm 2015, kim ngạch thương mại hai nước đạt 5,1 tỷ USD, giảm 8,8% so với một năm trước đó chủ yếu do Việt Nam giảm nhập khẩu các mặt hàng như: Thủy sản; bông; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày; thức ăn gia súc và nguyên liệu,…
Ấn Độ là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 17 của Việt Nam, trong khi đó ở chiều ngược lại, Ấn Độ là nguồn hàng nhập khẩu lớn thứ 11 của Việt Nam. Như vậy, tính tổng thể trong năm 2015, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 15 của Việt Nam.
Trong 11 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ đạt trị giá 2,43 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2015.
Điện thoại các loại và linh kiện là nhóm hàng xuất khẩu sang Ấn Độ đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, với 348,15 triệu USD, chiếm gần 14,3% tổng trị giá xuất khẩu, giảm 42,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp đến máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, đạt trên 271,15 triệu USD, tăng 38,8%, chiếm 11,1%. Nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, đạt 247,46 triệu USD, chiếm 10,1%, tăng trưởng 46% so với cùng kỳ năm 2015.
Xét về mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sang Ấn Độ trong 11 tháng đầu năm 2016, thì thấy hầu hết các mặt hàng đều có tốc độ tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó chè có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất 912,7%. Ngoài ra, một số mặt hàng với tốc độ tăng trưởng cao như: hàng dệt may tăng 88,57%, kim loại thường tăng 91,9%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày tăng 48,4%; thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 41,3%; hạt điều tăng 77,0%; cà phê tăng 55,6%.
Ngược lại, kim ngạch giảm mạnh ở một số nhóm hàng như: gỗ và sản phẩm gỗ giảm 47,9%; chất dẻo nguyên liệu giảm 34,5%; sản phẩm mây, tre, cói và thảm giảm 33,1%.
Số liệu thống kê sơ bộ của TCHQ về xuất khẩu sang Ấn Độ 11 tháng đầu năm 2016
ĐVT: USD
Mặt hàng | T11/2016 | 11T/2016 | +/-(%) 11T/2016 so với cùng kỳ |
Tổng kim ngạch | 230.498.399 | 2.438.241.761 | +7,4 |
Điện thoại các loại và linh kiện | 32.484.790 | 348.155.339 | -42,9 |
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện | 35.410.908 | 271.158.692 | +38,8 |
Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác | 34.300.674 | 247.467.337 | +46,0 |
Kim loại thường khác và sản phẩm | 17.777.801 | 212.151.906 | +91,9 |
Hóa chất | 19.573.540 | 182.972.793 | +34,0 |
Cao su | 8.193.604 | 111.858.678 | +2,2 |
Xơ, sợi dệt các loại | 7.404.480 | 83.843.770 | +10,2 |
Hạt tiêu | 2.833.374 | 79.234.196 | +12,0 |
Cà phê | 7.068.562 | 69.828.307 | +55,6 |
Phương tiện vận tải và phụ tùng | 6.396.559 | 68.014.558 | +4,2 |
Sản phẩm từ sắt thép | 3.331.444 | 48.438.273 | -2,3 |
Gỗ và sản phẩm gỗ | 3.051.565 | 45.818.177 | -47,9 |
Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày | 4.080.030 | 43.408.577 | +48,4 |
Giày dép các loại | 4.880.728 | 41.863.274 | +37,6 |
Thức ăn gia súc và nguyên liệu | 1.571.596 | 37.438.197 | +41,3 |
Sản phẩm hóa chất | 3.280.375 | 37.359.789 | +30,4 |
Hàng dệt, may | 2.337.091 | 31.709.660 | +8,1 |
Hạt điều | 2.829.059 | 25.731.108 | +77,0 |
Hàng thủy sản | 1.845.265 | 18.259.316 | +0,5 |
Chất dẻo nguyên liệu | 869.012 | 16.443.364 | -34,5 |
Sản phẩm từ chất dẻo | 1.063.032 | 8.619.596 | +36,3 |
Sắt thép các loại | 688.254 | 8.214.544 | -21,2 |
Sản phẩm từ cao su | 386.162 | 3.600.512 | +0,9 |
Chè | 765.292 | 2.318.726 | +912,7 |
Sản phẩm gốm, sứ | 128.810 | 2.277.542 | +7,1 |
Than đá | | 1.954.901 | -59,5 |
Sản phẩm mây, tre, cói và thảm | 55.848 | 1.533.560 | -33,1 |
Bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc | 68.450 | 589.857 | -54,0 |
Nguồn: Theo Vinanet