DỰ ÁN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN XUẤT KHẨU NÔNG – THỦY SẢN
VÀO THỊ TRƯỜNG PHẦN LAN VÀ BẮC ÂU
(7/2014-7/2016)
1. BỐI CẢNH RA ĐỜI CỦA DỰ ÁN
Chủ trương đẩy
mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam có thế mạnh, quan tâm đến việc đa dạng hóa thị trường,
đặc biệt không phụ thuộc vào bất kỳ một thị trường nào trong thời gian gần đây
đang được Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Trong bối cảnh đó, quan hệ
thương mại hai chiều giữa Việt Nam với Phần Lan và các nước Bắc Âu được đánh
giá là còn nhiều dư địa cho doanh nghiệp chúng ta khai thác khi kim ngạch
thương mại hai chiều giữa Việt Nam với Phần Lan hoặc các nước trong khu vực Bắc
Âu chưa nước nào đạt trên 1 tỷ USD.
Nguyên nhân
là do sự kết nối giữa Doanh nghiệp Việt Nam và Bắc Âu hiện còn nhiều bất cập,
xuất phát từ sự thiếu trao đổi thông tin về cơ hội thị trường, quy định và yêu
cầu về các hàng hóa nhập khẩu, thiểu hiểu biết về văn hóa kinh doanh, khoảng
cách địa lý, rào cản ngôn ngữ, và đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu của Việt
Nam chưa chú trọng phát triển chất lượng và hình thức phù hợp với khu vực thị
trường này.
Trước bối cảnh
đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã chủ động xây dựng Đề án xin
ngân sách hỗ trợ từ Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam từ Quỹ Hợp tác địa phương
(FLC).
Quỹ FLC là gì? Tại sao lại từ Quỹ FLC của
chính phủ Phần Lan?
Quỹ FLC là
phương tiện để cơ quan ngoại giao hoặc đại sứ đương nhiệm thực hiên hoạt động hợp
tác phát triển nhằm thúc đẩy các hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự ở nước
sở tại thông qua các Dự án có mục tiêu rõ ràng.
Là một công cụ chính sách phát triển, quỹ FLC sẽ đặc biệt hỗ trợ mục
tiêu tổng thể của Chính sách phát triển của chính phủ Phần Lan nhằm xóa nghèo
và thúc đẩy phát triển bền vững về mặt kinh tế, xã hội và sinh thái cho các nước
đang phát triển, trong đó có Việt Nam phù hợp với mục tiêu phát triển Thiên
niên kỷ của Liên hiệp quốc năm 2000.
Xác định mục
tiêu của quỹ FLC hoàn toàn phù hợp với nhiệm vụ hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp
trước bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay của mình, tháng 3/2014 Phòng
Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã nộp đơn xin hỗ trợ từ quỹ FLC và nhanh
chóng được Đại sứ quán Phần Lan ủng hộ và chấp thuận.
Tháng 7/2014,
đích thân Ngài đại sứ Kimmo Lähdevirta đã ký quyết định thông báo “DỰ ÁN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN XUẤT KHẨU NÔNG THỦY
SẢN VÀO PHẦN LAN VÀ BẮC ÂU” kéo dài trong 2 năm từ 2014-2016, của Phòng
Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chính thức được thông qua.
Tại
sao lại là nhóm hàng nông thủy sản?
Về ngành
hàng:
- Trước hết đó là hai trong số những ngành hàng xuất
khẩu chủ lực và có tác động rất lớn đến không chỉ nền kinh tế mà còn cả vấn đề
an sinh xã hội của Việt nam (tất nhiên là không kể đến dầu thô, khoáng sản và
thiết bị, linh kiện điện tử của các doanh nghiệp FDI).
- Hàng thủy sản Việt Nam đã có mặt trên thị trường
của 156 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó hai mặt hàng xuất khẩu
chủ lực là tôm và cá tra - luôn đứng trong 10 nước xuất khẩu thủy sản hàng
đầu thế giới.
- Đối với hàng nông sản, Việt Nam có lợi thế trong
sản xuất, tuy nhiên cho đến nay mới chỉ dừng lại ở việc xuất khẩu các sản phẩm
thô nên giá trị chưa cao, không mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn cho người
trồng và người sản xuất/chế biến.
- Phần lớn loại nông thủy sản tiềm năng của Việt
Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu, do đó 90% nông sản xuất khẩu chỉ ở dạng
thô, sau khi nhập về các doanh nghiệp nước ngoài chế biến và sử dụng tên,
thương hiệu của họ. Ngay cả với mặt hàng gạo là sản phẩm xuất khẩu đứng đầu thế
giới, nhưng Việt Nam vẫn chưa có một thương hiệu gạo riêng được biết rộng rãi
trên thị trường thế giới.
Về thị trường:
- EU trong đó có Phần Lan và Bắc Âu là đối tác
quan trọng và lớn nhất đối với hàng nông thủy sản của Việt Nam hiện nay.
- Bắc Âu là khu vực lạnh có tuyết trong thời gian
dài trong năm nên nhu cầu nhập khẩu nông thủy sản từ các nước nhiệt đới như Việt
Nam là rất lớn. Tuy nhiên, trong số liệu xuất nhập khẩu hai chiều gần như không
có mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam. Được biết là hàng nông sản của Việt nam
có tại thị trường này, nhưng mà là được xuất thô sang nước thứ 3 và từ đó chế
biến, đóng gói lại và xuất vào Bắc Âu.
- Cũng như nhóm hàng thủy sản, nhóm hàng nông sản
xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật và cạnh
tranh từ các đối tác khác.
Chính vì vậy, Dự án xác định sẽ tập trung hỗ trợ xuất khẩu
nông thủy sản sang thị trường Phần Lan và Bắc Âu cho Doanh nghiệp Việt Nam.
2. MỤC TIÊU CỦA DỰ ÁN
Xuất phát từ mục tiêu tổng thể: nâng cao năng lực chế
biến và xuất khẩu của doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản và thủy sản
Việt Nam; góp phần tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với
Phần Lan và khu vực Bắc Âu, Dự án đã đưa ra những mục tiêu cụ thể cho các hoạt
động của mình, cụ thể:
1. Tăng cường khả năng tiếp cận thông tin, quy định và cơ
hội thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam;
2. Nâng cao năng lực sản xuất và chế biến của doanh
nghiệp Việt Nam nhằm đáp ứng các quy định đối với hàng nhập khẩu của Phần Lan
và Bắc Âu;
3. Hỗ trợ doanh nghiệp khảo sát thị trường, tìm kiếm đối
tác hợp tác thương mại và đầu tư tại thị trường Phần Lan và các nước khu vực
Bắc Âu;
4. Góp phần tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư giữa
Việt Nam và Phần Lan cũng như các nước Bắc Âu thông qua các hoạt động xúc tiến
thương mại, đầu tư
3. ĐỐI TƯỢNG HƯỞNG LỢI TỪ DỰ ÁN:
Trước
hết, chúng tôi xin khẳng định rằng, tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đều có thể
tham gia Dự án và nhận hỗ trợ của Dự án thông qua các hoạt động: Cung cấp thông
tin, các khóa đào tạo cũng như các hoạt động xúc tiến.
Như
đã nói ở trên, Dự án xây dựng nhằm mục tiêu chính là hỗ trợ cộng đồng doanh
nghiệp Việt Nam do vậy tất cả các hoạt động của Dự án đều xoay quanh mục tiêu
này. Và Dự án cũng xác định rõ đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ Dự án chính là
các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông thủy sản trong cả nước.
Còn
đối tượng hưởng lợi gián tiếp của Dự án chính là: các doanh nghiệp nuôi trồng
nông thủy sản Việt Nam, các nhà nhập khẩu và tiêu dùng Phần Lan và các nước Bắc
Âu.
Để
đăng ký tham gia vào Dự án, đề nghị quý doanh nghiệp tham khảo tại đây
Phạm vi triển khai Dự án:
Phạm
vi triển khai các hoạt động đào tạo (xin
nhấn mạnh chỉ là những hoạt động đào tạo) của Dự án sẽ tập trung triển khai
tại Hà nội, TP HCM và khu vực đồng bằng Sông Cửu Long – là khu vực tập trung
các doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến cũng như xuất khẩu hàng đầu của cả nước.
Các hoạt động khác như cung cấp thông tin, hoạt động xúc tiến, Dự án sẵn sàng
hỗ trợ các doanh nghiệp trong cả nước.
Quyền lợi khi tham gia Dự án:
- Miễn phí khi đăng ký tham gia Dự án;
- Được tham gia khảo sát và đánh giá thực trạng doanh
nghiệp bởi các chuyên gia của Dự án;
- Được đăng tải và cập nhật thông tin hỗ trợ doanh
nghiệp nông - thủy sản thông qua Cổng thông tin thương mại điện tử của Dự án;
- Được cung cấp Cẩm nang hướng dẫn “Xuất khẩu hàng nông
- thủy sản sang thị trường Phần Lan và Bắc Âu - những điều cần biết”;
- Được lựa chọn đưa vào danh bạ các doanh nghiệp nuôi
trồng, chế biến và xuất khẩu nông - thủy sản thuộc Dự án;
- Được thông tin và ưu tiên tham dự các hội thảo, khóa
đào tạo theo chuyên đề trong khuôn khổ Dự án;
- Được ưu tiên đăng ký khi tham gia đoàn doanh nghiệp
Việt Nam đi khảo sát thị trường, học tập kinh nghiệm và gặp gỡ các nhà nhập
khẩu/ phân phối tại Phần Lan và một số nước Bắc Âu.
4. CÁC MẢNG HOẠT ĐỘNG CHÍNH CỦA DỰ
ÁN:
1. Hoạt
động cung cấp thông tin
-
Khảo sát thực trạng chế biến và xuất khẩu của các
doanh nghiệp thủy sản và nông sản Việt Nam để từ đó xây dựng các chủ đề cho các
hoạt động và khóa đào tạo cho Doanh nghiệp quan tâm;
-
Xây dựng Cổng thông tin thương mại điện tử: www.xuatkhauphanlan.com nhằm cung cấp
thông tin phục vụ cộng đồng Doanh nghiệp quan tâm phát triển xuất khẩu sang thị
trường Phần Lan và Bắc Âu; hỗ trợ Doanh nghiệp giao thương trực tuyến trên
Cổng;
- Phát hành brochure nhằm giới thiệu và quảng bá các
hoạt động của Dự án và Cổng thông tin thương mại điện tử đến cộng đồng Doanh
nghiệp.
- Phát hành cuốn cẩm nang (hand-book) “Xuất khẩu hàng
thủy sản và nông sản sang thị trường Phần Lan - những điều cần biết” nhằm cung
cấp thông tin hỗ trợ Doanh nghiệp xuất khẩu sang Phần Lan và Bắc Âu;
- Phát hành danh bạ các doanh nghiệp chế biến và xuất
khẩu thủy sản – nông sản uy tín và tiềm năng;
- Tổ chức Hội thảo giới thiệu tiềm năng hợp tác với thị
trường Phần Lan cũng như Bắc Âu và tổ chức các buổi Gặp gỡ doanh nghiệp,
các nhà đầu tư bạn tại một số tỉnh/
thành phố.
2. Hoạt
động đào tạo:
- Tổ chức khóa đào tạo theo từng chuyên đề tại các tỉnh,
thành phố do Dự án lựa chọn, đối tượng là các Doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất và chế biến nông
thủy sản mong muốn hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn Châu Âu nhằm đẩy mạnh
xuất khẩu vào EU cũng như Bắc Âu;
3. Hoạt
động xúc tiến:
- Tổ chức đoàn doanh nghiệp Việt Nam đi khảo sát thị trường
và gặp gỡ các nhà nhập khẩu/ phân phối tại Phần Lan và một số nước Bắc Âu.
Kế
hoạch hoạt động chi tiết về thời gian, địa điểm, diễn giả, nội dung…của từng
hoạt động… của Dự án sẽ được chúng tôi sẽ được cập hàng tháng trên website: www.xuatkhauphanlan.com
5. THÔNG TIN LIÊN HỆ
Để
đăng ký tham gia các hoạt động của Dự án, doanh nghiệp quan tâm xin truy cập
Mục Đăng ký tham gia dự án tại đây
Ban
thư ký dự án được đặt tại Ban Quan hệ quốc tế - VCCI theo địa chỉ:
BAN THƯ KÝ DỰ ÁN
Địa
chỉ: Ban Quan hệ Quốc tế - VCCI, tầng 5, số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội
Điện
thoại: 84 4
35771380 / 84 4 35742022 (Ext 203)
Fax: 84
35742020/30
Email:
xuatkhauphanlan@vcci.com.vn
Người
liên hệ: Anh Vũ Anh Đức, Chị Lê Minh
Châu