Tin trong nước

Hà Tĩnh từng bước ổn định đời sống ngư dân
Thứ Năm /  07/07/2016
Sau sự cố môi trường biển do Formosa gây ra, đời sống người dân ở vùng biển các tỉnh Bắc Trung Bộ, trong đó có tỉnh Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn. Chính phủ đã, đang chỉ đạo các bộ, ngành cùng tỉnh Hà Tĩnh và người dân đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống.

Sau sự cố môi trường biển do Formosa gây ra, đời sống người dân ở vùng biển các tỉnh Bắc Trung Bộ, trong đó có tỉnh Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn. Chính phủ đã, đang chỉ đạo các bộ, ngành cùng tỉnh Hà Tĩnh và người dân đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống.

Giúp sức chia sẻ khó khăn

Ngay sau khi xảy ra sự cố môi trường biển làm hải sản chết hàng loạt, tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiến hành lấy mẫu, quan trắc, theo dõi diễn biến tình hình. Tổ chức thu gom tiêu hủy hải sản bị chết, không để gây ô nhiễm môi trường. Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã huy động hàng nghìn lượt đoàn viên thanh niên tiến hành tổng vệ sinh, làm sạch các bãi biển. Hà Tĩnh đã phối hợp tốt với các bộ, ngành T.Ư, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế trong công tác điều tra nguyên nhân sự cố.

Bên cạnh đó, tỉnh đã tiến hành xây dựng Trung tâm quan trắc tự động tại Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh. Ngày 18-5, trung tâm này chính thức hoạt động và thực hiện giám sát trực tuyến 24/24 giờ việc xả nước thải của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh với sáu thông số liên quan. Thời gian tới, trung tâm này sẽ quan trắc tự động đủ 12 thông số nước thải theo quy định. Hà Tĩnh còn tiến hành xây dựng Trung tâm Quan trắc môi trường tại Khu Kinh tế (KKT) Vũng Áng và phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt Trạm quan trắc tự động để kiểm soát việc xả thải của Formosa cũng như các dự án khác trong KKT.

Do lần đầu tiên diễn ra sự cố môi trường biển trên diện rộng nên tỉnh đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư. Đích thân Thủ tướng Chính phủ cùng các đồng chí Phó Thủ tướng, bộ trưởng, thứ trưởng liên quan đã nhiều vào lần vào làm việc với Hà Tĩnh và các tỉnh Bắc Trung Bộ để chỉ đạo công tác khắc phục khó khăn nhằm sớm từng bước ổn định đời sống nhân dân. Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành, các nhà khoa học trong và ngoài nước tập trung nghiên cứu, điều tra làm rõ nguyên nhân gây ra sự cố môi trường biển một cách chính xác và buộc đối tượng gây ra sự cố nhận lỗi.

Cùng với chính sách hỗ trợ của Chính phủ (theo Quyết định số 772/QĐ-TTg), Hà Tĩnh cũng đã chủ động ban hành các chính sách hỗ trợ liên quan khác và triển khai một cách khẩn trương, quyết liệt, kịp thời góp sức chia sẻ khó khăn, bảo đảm an sinh cho người dân vùng ảnh hưởng.

Đến nay, các địa phương đã hoàn thành việc hỗ trợ hơn 1.500 tấn gạo cho hơn 17 nghìn hộ với gần 67 nghìn nhân khẩu cùng 17,7 tỷ đồng cho 3.852/4.684 chủ tàu, thuyền và 666 triệu đồng cho các đối tượng nuôi trồng bị thiệt hại. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân nhà hảo tâm đã hỗ trợ hơn 30 tấn gạo, 12,3 tỷ đồng cho hơn 10 nghìn hộ nằm trong vùng ảnh hưởng.

Sau khi xảy ra sự cố môi trường, tình hình tiêu thụ hải sản, muối gặp nhiều khó khăn, giá hải sản thấp (giảm từ 30 - 50%). Tỉnh đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ thu mua. Hỗ trợ hình thành 25 cửa hàng kinh doanh hải sản an toàn với mức hỗ trợ 5 triệu đồng/cửa hàng; hỗ trợ tiền điện cho các cơ sở đông lạnh thu mua tạm trữ hải sản... Từng bước khôi phục sản xuất, tiêu thụ hải sản cho ngư dân. Đến nay, số lượng tàu thuyền trên địa bàn ra khơi đánh bắt, khai thác hải sản tăng dần. Từ đầu tháng 6 đến nay, tỷ lệ tàu thuyền ra khơi đạt trên 60%. Từ ngày 10-5 đến ngày 21-6, sản lượng khai thác ước đạt 4.874 tấn. Ngư dân đã tiến hành nuôi thả thủy sản 6.893ha/7.820 ha kế hoạch.

Đồng hành chia sẻ khó khăn với người dân, đã có bảy ngân hàng trên địa bàn ban hành phương án hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại. Miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời gian trả nợ; đẩy mạnh cho vay mới đối với các khách hàng ở vùng bị thiệt hại hoặc đầu tư kinh doanh ngành nghề liên quan đến thủy, hải sản. Đến nay, đã cơ cấu lại nợ 56,7 tỷ đồng của 215 khách hàng; miễn giảm lãi vay cho 417 khách hàng có tổng dư nợ hơn 154,5 tỷ đồng với số tiền lãi được miễn giảm gần một tỷ đồng. Hướng dẫn khách hàng lập phương án sản xuất kinh doanh, xem xét cho vay để hỗ trợ ngư dân tiếp tục sản xuất kinh doanh hoặc chuyển đổi ngành nghề; đã cho 1.018 khách hàng vay mới số tiền 32,9 tỷ đồng...

Các thế lực thù địch đã lợi dụng sự cố môi trường biển tìm cách kích động bà con nhân dân bằng những luận điệu xuyên tạc, sai trái nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân. Nhưng tuyệt đại đa số người dân trên địa bàn đã tỉnh táo, cảnh giác. Họ vững lòng chờ đợi xác định nguyên nhân và tin tưởng vào những giải pháp xử lý kịp thời của Chính phủ và địa phương. Như lời tâm sự của các ngư dân ở thôn Chiến Thắng, xã Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh): “Chúng tôi sống trên quê hương cách mạng, không dễ gì mắc mưu các thế lực thù địch để tụ tập đông người, gây rối làm mất an ninh trật tự... ảnh hưởng đến an ninh chính trị, thu hút đầu tư và phương hại đến hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế”. Ông Nguyễn Văn Nhinh (55 tuổi) ở thôn Chiến Thắng cho biết thêm :“Bài học nhãn tiền về gây rối an ninh trật tự xảy ra tại dự án Formosa ngày 14-5-2014 vừa qua còn nguyên giá trị”. Tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động trong nắm tình hình, chỉ đạo các ngành chức năng, các đoàn thể xuống tận cơ sở tuyên truyền vận động để người dân hiểu, bình tĩnh chia sẻ khó khăn cũng như xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi lợi dụng tình hình để kích động, lôi kéo...

Từng bước ổn định cuộc sống

Tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập Ban chỉ đạo tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban sau khi biết thủ phạm xả thải. Ban có nhiệm vụ chỉ đạo các địa phương đánh giá đúng thiệt hại, thực hiện việc hỗ trợ phù hợp, sớm phục hồi phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân và bảo đảm an ninh trật tự sau sự cố môi trường.

Ngày 1-7, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành quy định tạm thời với một số chính sách hỗ trợ mạnh nhằm sớm ổn định đời sống và khôi phục sản xuất. Trong đó, hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho hộ dân trong vùng ảnh hưởng; hỗ trợ đóng mới tàu cá xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác theo mức hỗ trợ sau: 600 triệu đồng cho tàu 400CV trở lên, 400 triệu đồng cho tàu từ 250 - 400 CV, 200 triệu đồng cho tàu từ 90 - 250 CV.

Tỉnh cũng hỗ trợ cho các tàu cải hoán từ 90 CV trở lên. Hỗ trợ 100% phí đào tạo, thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên, hỗ trợ mua máy thông tin liên lạc định vị vệ tinh, xây hầm bảo quản đông lạnh và hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu. Các ngành chức năng điều tra khảo sát nguyện vọng của người dân về chuyển đổi nghề. Các hộ nghèo và cận nghèo chuyển đổi ngành nghề được hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn …

Trao đổi với chúng tôi, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn khẳng định: Hà Tĩnh sẽ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để thực hiện việc rà soát, đánh giá thiệt hại từ đó triển khai chính sách hỗ trợ sớm nhất đến các hộ dân bị ảnh hưởng một cách kịp thời, chính xác, công bằng và dân chủ nhất cùng với đó là sớm ổn định sản xuất, sinh kế trước mắt cũng như lâu dài cho người dân.

Đáng mừng là sau khi Chính phủ công bố tác nhân gây ra sự cố môi trường biển, đến nay, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn ổn định. Niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp tiếp tục được khẳng định. Qua tiếp xúc, hầu hết người dân tại các vùng bị ảnh hưởng đều thể hiện sự đồng tình, ủng hộ cao trước những giải pháp của Chính phủ, của tỉnh cũng như cam kết, đền bù thiệt hại của Formosa.

Theo ngư dân Nguyễn Đức Hánh và những người dân ở xã Kỳ Xuân (Kỳ Anh): “Sau một thời gian tin tưởng, chờ đợi, Chính phủ cũng đã có được câu trả lời thỏa đáng, buộc Formosa nhận lỗi. Chúng tôi rất hoan nghênh sự quyết liệt, minh bạch trong xử lý sự cố và ban hành, triển khai các chính sách hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân Tuy nhiên, điều ngư dân chúng tôi mong chờ tiếp theo là Chính phủ cùng các bộ, ngành chức năng tiếp tục buộc nhà máy gây ô nhiễm môi trường phải làm sạch biển, hoàn trả lại môi trường biển như trước khi xảy ra sự cố. Đồng thời, giám sát chặt việc xả thải của các nhà máy tại Formosa và KKT Vũng Áng cùng các giải pháp mạnh để không tái diễn sự cố môi trường biển thêm một lần nữa. Chính phủ sẽ có sự giám sát, đốc thúc để Formosa thực hiện sớm, đầy đủ các cam kết như đã hứa, nhất là vấn đề cải tạo lại hệ thống xử lý môi trường bảo đảm theo quy định mới nhất…”.

Sự cố môi trường biển vừa qua là điều không ai mong muốn. Việc ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất cho người dân trong vùng ảnh hưởng sau sự cố môi trường biển không thể một sớm một chiều. Sự chỉ đạo quyết liệt, các giải pháp đồng bộ từ T.Ư đến địa phương cùng con người Hà Tĩnh giàu lòng yêu nước, nhân nghĩa sẽ vượt qua gian khó từng bước ổn định cuộc sống cũng như bảo đảm sinh kế lâu dài.




Thường xuyên giám sát môi trường biển.

Hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu xa bờ, tàu sắt để bám biển dài ngày.

Các đoàn viên, thanh niên thường xuyên tham gia vệ sinh làm sạch bờ biển.

Theo THÀNH CHÂU (Báo Nhân dân)
Tag: