Hiện nay, trong tổng sản lượng cá ngừ khai thác được chỉ có khoảng 10-20% là đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu nguyên con bán được giá cao. Trước thực tế đó, Hiệp hội Cá ngừ Phú Yên đề xuất một số giải pháp nhằm nâng chất cá ngừ đại dương và tăng giá trị cho sản phẩm cá nguyên liệu.
 |
Khai thác, bảo quản đúng cách giúp nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương nguyên liệu. Trong ảnh: Ngư dân phường 6, TP Tuy Hòa, đưa cá ngừ lên bờ để tiêu thụ - Ảnh: NGỌC CHUNG |
Điểm mấu chốt để bảo quản tốt cá ngừ đại dương phải do ngư dân đảm nhiệm. Cụ thể, bà con ngư dân cần đầu tư thiết bị gây tê cá để kéo cá từ dưới nước lên tàu, tránh việc cá giãy giụa như cách làm lâu nay; nâng cấp các hệ thống hầm bảo quản cá trên tàu bằng vật liệu mới Polyurethane (PU) bọc inox hoặc composite; trang bị hầm ngâm hạ nhiệt cá trước khi đưa vào bảo quản và thực hiện tốt việc sơ chế, xử lý, bảo quản sản phẩm sau khai thác. Việc sơ chế đòi hỏi phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản là “Nhanh - lạnh - sạch - không dập nát”. Trong đó, “nhanh” là từ lúc đưa cá lên khỏi mặt nước đến khi bảo quản thông thường không nên để quá 30 phút; “lạnh” là lượng đá ướp cá phải đủ để các lớp cá và lớp đá xen kẽ đều nhau, duy trì nhiệt độ ổn định từ 00C-20C trong suốt quá trình bảo quản; “sạch” là cá trước khi đưa vào bảo quản phải được rửa sạch, loại bỏ tạp chất với các dụng cụ sơ chế được vệ sinh sạch sẽ, nước đá phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; “không dập nát” là phải giữ cho con cá không bị thương tích, xây xát.
Bên cạnh đó, các cơ sở thu mua cá ngừ cũng phải công bố công khai tiêu chuẩn chất lượng cá ngừ đại dương mà cơ sở sẽ thu mua, đồng thời thực hiện đúng theo cam kết trong điều kiện Nhà nước chưa ban hành quy định tiêu chuẩn chất lượng cá ngừ đại dương. Các cơ sở thu mua cần tăng cường phối hợp với Hiệp hội Cá ngừ Phú Yên, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm và thủy sản để tập huấn kỹ thuật sơ chế, bảo quản nâng cao chất lượng cá ngừ đại sau khai thác cho bà con ngư dân, đồng thời cơ sở thu mua cũng cần đầu tư hiện đại hóa máy móc thiết bị, dụng cụ, trang bị bảo hộ lao động, thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản tại cơ sở thu mua theo đúng quy định.
Song hành cùng ngư dân, các cơ quan quản lý chuyên ngành cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành tiêu chuẩn chất lượng mà các cơ sở đã cam kết và công bố; đẩy mạnh kiểm tra xử lý việc chấp hành vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản trong các khâu sơ chế bảo quản sản phẩm và dịch vụ hậu cần thủy sản, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho bà con ngư dân. Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm và thủy sản cũng cần giám sát, quản lý chất lượng cá ngừ mà các cơ sở thu mua đã cam kết với ngành chức năng hoặc tiêu chuẩn chất lượng được cơ quan có thẩm quyền ban hành áp dụng tại địa phương. Cuối cùng, Nhà nước cần có sự đầu tư nâng cấp hệ thống cảng cá, bến cá, chợ cá, đặc biệt là hệ thống kho lạnh, băng chuyền gắn liền trên các bến, cảng để khi cá về bến thuận tiện cho việc bốc dỡ, vận chuyển sản phẩm từ tàu vào hệ thống kho lạnh.
Hiệp hội cũng đề xuất thành lập trung tâm bán đấu giá cá ngừ đại dương tại cảng để đảm bảo thuận lợi cho cả người mua và người bán. Nếu cả cơ quan chức năng, thương lái và bà con ngư dân đều thực hiện tốt phần việc của mình thì giải pháp trên sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguyên liệu cá ngừ đại dương phục vụ chế biến xuất khẩu, nâng cao uy tín và phát triển thương hiệu cá ngừ đại dương của Phú Yên “PHU YEN TUNA” trên thị trường trong và ngoài nước.
Theo NGUYỄN KHẮC TÂN
Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Phú Yên
Báo Phú Yên