Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của thị trường Ấn Độ vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2019 đạt 2,8 tỷ USD, giảm nhẹ 0,24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam tiếp tục nhập khẩu các mặt hàng nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất trong nước và máy móc thiết bị, một số mặt hàng nhập khẩu từ Ấn Độ có giá trị lớn gồm: Sắt thép các loại; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; bông các loại; dược phẩm; hóa chất; thức ăn gia súc và nguyên liệu; hàng thủy sản…
Trong đó, chiếm thị phần cao nhất với 18,32% là nhóm sắt thép các loại, đạt 515,77 triệu USD, tăng 89,4% so với 8 tháng năm 2018. Sản lượng sắt thép các loại nhập khẩu cũng tăng từ 423.773 tấn trong 8 tháng/2018 lên 957.348 tấn trong 8 tháng/2019, mức tăng mạnh mẽ 125,91%. Tính riêng tháng 8/2019, nhóm hàng sắt thép các loại đều tăng rất mạnh về cả lượng (180,12%) và trị giá (157,14%) so với tháng 7/2019, đã góp phần vào sự tăng trưởng của cả 8 tháng đầu năm 2019.
Đứng thứ hai về thị phần nhập khẩu từ Ấn Độ trong 8 tháng/2019 là nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác chiếm 11,06% đạt 311,33 triệu USD, giảm nhẹ 1,43% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhập khẩu bông các loại trong tháng 8/2019 giảm cả về lượng và trị giá so với tháng trước đó đẩy tổng lượng và trị giá nhập khẩu mặt hàng này trong 8 tháng/2019 giảm mạnh hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái lần lượt là (-57,40%) đạt 84.697 tấn và trị giá (-57,31%) đạt 145,04 triệu USD.
Nhóm hàng nhập khẩu từ thị trường Ấn Độ chiếm thị phần thấp nhất phải kể đến lúa mì, chỉ với 0,01%. Tuy nhiên mặt hàng này có mức tăng trưởng cực mạnh cả về lượng và trị giá trong 8 tháng đầu năm 2019, mặc dù riêng trong tháng 8, con số này lại âm so với tháng trước đó. Tổng 8 tháng/2019, nhập khẩu lúa mì tăng 23 lần về lượng đạt 1.135 tấn và 14 lần về trị giá đạt 325.338 USD so với cùng kỳ năm 2018.
Quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ được thiết lập từ năm 1972, trải qua 47 năm, quan hệ 2 nước diễn ra rất nhanh chóng. Từ năm 2007, hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Đến năm 2016, quan hệ hai nước đã nâng lên thành đối tác chiến lược toàn diện.
Kim ngạch thương mại 2 chiều giữa 2 nước, trong năm 2018 lên đến gần 11 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ đạt khoảng 6,5 tỷ USD và nhập khẩu từ Ấn Độ khoảng 5 tỷ USD.
Từ một nước nhập siêu lớn, Việt Nam đã trở thành nước xuất siêu, trên 2 tỷ USD. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp Việt Nam chủ động mở rộng thị trường và do tác động từ hiệp định ASEAN - Ấn Độ, thuế xuất nhập khẩu sang Ấn Độ là 0% nên khuyến khích nhiều doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Ấn Độ.
Trong những năm gần đây, Ấn Độ cũng đẩy mạnh đầu tư sang Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng chưa nhiều, khoảng trên 200 dự án với gần 900 triệu USD, xếp thứ 26/129 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Một trong những nguyên nhân đầu tư từ Ấn Độ chưa được đẩy mạnh vào Việt Nam là do chưa có đường bay trực tiếp từ Việt Nam sang Ấn Độ và ngược lại.
Hiện nay, Chính phủ 2 nước đang đặt ra mục tiêu, nâng kim ngạch thương mại 2 chiều lên 15 tỷ USD vào năm 2020.
Hàng hóa nhập khẩu từ thị trường Ấn Độ 8 Tháng/2019
Mặt hàng | 8 tháng năm 2019 | +/- so với cùng kỳ 2018 (%)* |
Lượng (tấn) | Trị giá (USD) | Lượng | Trị giá |
Tổng | | 2.815.092.879 | | -0,24 |
Hàng thủy sản | | 135.374.842 | | -45,86 |
Hàng rau quả | | 21.567.288 | | 10,02 |
Lúa mì | 1.135 | 325.338 | 2216,33 | 1350,39 |
Ngô | 1.639 | 1.366.477 | -98,35 | -94,32 |
Dầu mỡ động thực vật | | 2.559.950 | | -51,58 |
Thức ăn gia súc và nguyên liệu | | 125.625.578 | | -0,86 |
Nguyên phụ liệu thuốc lá | | 10.089.569 | | 29,40 |
Quặng và khoáng sản khác | 138.634 | 16.654.525 | -62,93 | -62,26 |
Sản phẩm khác từ dầu mỏ | | 5.505.382 | | -23,23 |
Hóa chất | | 124.862.558 | | 23,83 |
Sản phẩm hóa chất | | 74.459.736 | | 5,59 |
Nguyên phụ liệu dược phẩm | | 47.572.804 | | 1,77 |
Dược phẩm | | 163.140.968 | | -5,66 |
Phân bón các loại | 1.818 | 3.272.822 | 26,25 | 11,33 |
Thuốc trừ sâu và nguyên liệu | | 48.557.902 | | -9,20 |
Chất dẻo nguyên liệu | 80.543 | 96.728.403 | -7,28 | -17,10 |
Sản phẩm từ chất dẻo | | 12.370.103 | | 18,75 |
Sản phẩm từ cao su | | 6.137.020 | | 4,10 |
Giấy các loại | 32.081 | 30.875.433 | 21,75 | 1,05 |
Bông các loại | 84.697 | 145.045.554 | -57,40 | -57,31 |
Xơ, sợi dệt các loại | 28.395 | 66.951.396 | -24,53 | -29,53 |
Vải các loại | | 45.508.798 | | 1,54 |
Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày | | 66.731.398 | | -18,58 |
Đá quý, kim loại quý và sản phẩm | | 88.530.205 | | -9,73 |
Sắt thép các loại | 957.348 | 515.775.446 | 125,91 | 89,40 |
Sản phẩm từ sắt thép | | 21.567.231 | | 15,05 |
Kim loại thường khác | 27.076 | 58.069.783 | -8,49 | -33,38 |
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện | | 53.941.194 | | 172,97 |
Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác | | 311.336.206 | | -1,43 |
Linh kiện, phụ tùng ô tô | | 118.522.118 | | 17,30 |
Hàng hóa khác | | 355.520.854 | | |
(*Tính toán số liệu từ TCHQ)
Nguồn: VITIC