Vừa
qua, Dự án FLC 14-04 đã phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội tổ chức
Hội thảo “ Kinh doanh với thị trường Bắc Âu” vào ngày 1 tháng 11 tại Hà Nội. Mục
đích của Tọa đàm là nhằm cung cấp các thông tin về thị trường Bắc Âu gồm các
nước Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy Thuỵ Điển, đặc điểm thị trường, các cơ hội thách
thức và các kênh hỗ trợ mà Doanh nghiệp có thể tiếp cận. Đồng thời Tọa đàm đặc
biệt cung cấp các thông tin chi tiết về nhu cầu, phương thức sản xuất, thông
tin công nghệ cho doanh nghiệp doanh nghiệp trong ngành thủy hải sản, để tìm ra hướng đi phù hợp cho sản phẩm của
mình thâm nhập khu vực thị trường EU/Phần Lan, Bắc Âu vốn khắt khe và khó tính
Tham dự Hội thảo có ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ
tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đại diện cho Lãnh đạo VCCI, ông
Nguyễn Tuấn Hải, Phó Trưởng ban Quan hệ quốc tế, Giám đốc dự án FLC và các tham
tán thương mại của Phần Lan, Na Uy, Thuỵ Điển, Đan Mạch.

Trong phần phát biểu khai mạc, ông
Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa Việt Nam
với các nước thành viên Bắc Âu. Theo ông Khương, Việt Nam và các nước Bắc Âu
cũng đã ký hầu hết các hiệp định hợp tác phát triển về kinh tế, khoa học kỹ
thuật, thương mại, khuyến khích và bảo hộ đầu tư, hợp tác vận chuyển hàng
không… tạo cơ sở pháp lý cho sự hợp tác giữa Việt Nam với từng nước thành viên
Bắc Âu. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các
nước Bắc Âu còn ở mức khiêm tốn chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Để
đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và khu vực
kinh tế Bắc Âu, đã có nhiều dự án hỗ trợ doanh nghiệp đa ngành nghề với các quy
mô khác nhau được xây dựng dưới sự tài trợ và ủng hộ của Chính phủ Việt Nam các
nước Bắc Âu.

Cũng trong phần phát biểu khai
mạc, Bà Annika Kaipola, Tham tán thương mại Đại sứ quán Phần Lan khẳng định các
nước Bắc Âu nói chung và Phàn Lan nói riêng còn rất nhiều dư địa để các doanh
nghiệp Việt Nam có thể đầu tư kinh doanh. Bà Annika cũng đặc biệt hoan nghênh
VCCI đã tổ chức hội thảo này và triển khai thành công các hoạt động trong khuôn
khổ dự án FLC.

Trong phần trình bầy về tổng quan
tình hình kinh tế của các nước Bắc Âu, ông Julius Virtanen, Chuyên gia tư vấn và hỗ trợ kinh doanh Phần
Lan cho biết, tiềm năng hợp tác giữa hai bên là rất lớn, đặc biệt trong lĩnh
vực mà Phần Lan có thế mạnh như công nghệ cao, công nghệ sạch, giáo dục… đồng
thời Phần Lan cũng khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu những mặt
hàng thế mạnh của mình. Về đặc điểm thị trường, Phần Lan cũng như các quốc gia
Bắc Âu có môi trường kinh doanh lành mạnh minh bạch, luôn là địa điểm thuận lợi
cho các doanh nghiệp Việt Nam để kinh doanh đầu tư. Bên cạnh đó, ông Julius
cũng cung cấp thêm thông tin về các tổ chức hỗ trợ, xúc tiến thương mại cho
doanh nghiệp Finpro để doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận và được tư vấn, hỗ
trợ.

Cũng trong phần này, bà Katja
Majbom Goodhew, Tham tán thương mại, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam cũng
khuyến nghị tới doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, Đan Mạch vốn là thị trường khó
tính, đặc biệt là yêu cầu cao về các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Đan Mạch
cũng nổi tiếng thế giới về các sản phẩm nông nghiệp; sản xuất chế biến thực
phẩm, công nghệ thực phẩm và nguyên liệu thực phẩm. Bên cạnh đó, người tiêu
dùng Đan Mạch lại quen với khái niệm tiêu dùng có trách nhiệm nên đòi hỏi cao
về tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn.
Vì vậy, bà Katja Majbom Goodhew
cho rằng, khả năng cạnh tranh ở thị trường này là rất khắc nghiệt. Các nhà sản
xuất và xuất khẩu Việt Nam khi muốn thâm nhập vào thị trường Đan Mạch cần lưu ý
nghiên cứu nhu cầu, sở thích, thói quen của người tiêu dùng; minh bạch thông
tin về các thành phần, nguyên liệu sản phẩm; quan trọng là phân biệt rõ thị
trường và thế mạnh là nguyên liệu thô hay sản phẩm đã chế biến. Từ đó, mới xác
định đối tác hợp tác và bước chân vào thị trường.
Theo báo
cáo thống kê, mỗi năm kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Việt Nam và các nước
Bắc Âu đạt khoảng 1,3 tỷ USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu khoảng 500 triệu
USD, chủ yếu là nguyên vật liệu thô, cao su, máy móc, máy vi tính, sản phẩm
điện tử và linh kiện, thiết bị dụng cụ, hàng may mặc…và nhập khẩu khoảng 800
triệu USD. Dự kiến, năm 2018, khi Hiệp định thương mại song phương Việt Nam –
EU chính thức có hiệu lực. Khu vực Bắc Âu sẽ là một cánh cửa để các doanh
nghiệp Việt tiếp cận thị trường EU một cách toàn diện nhất; tận dụng được các
lợi thế mà hiệp định này mang lại. Bên cạnh đó, thông qua thị trường Việt Nam,
EU và các nước Bắc Âu cũng sẽ có cơ hội tiếp cận với khu vực Cộng đồng ASEAN
với nhiều cơ hội kinh doanh và đầu tư mới./Trong bài phát biểu khai mạc, ông
Đoàn Duy Khương cho biết khu vực Bắc Âu gồm các nước thành viên Phần Lan, Đan
Mạch, Na Uy, Thụy Điển, là khu vực có nền kinh tế, công nghiệp, dịch vụ quản lý
phát triển cao. Đây là khu vực thị trường còn nhiều dư địa chưa được khai thác,
thu nhập bình quân đầu người cao, cơ chế pháp lý tương đồng với các nước EU và
đặc biệt là có nhu cầu về các mặt hàng mà doanh nghiệp cũng như Chính phủ Việt
Nam đang xúc tiến mở rộng thì trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, Việt Nam và các
nước Bắc Âu đã ký kết hầu hết các hiệp định về thương mại, khoa học, kỹ thuật,
khuyến khích và bảo hộ đầu tư… Đó là những nền tảng pháp lý thuận lợi cho các
doanh nghiệp hai bên hợp tác kinh doanh. Tuy nhiên, trao đổi thương mại giữa
Việt Nam và các nước Bắc Âu hiện còn khá khiêm tốn, mới chỉ đạt khoảng 1,3 tỷ
USD/năm.
Hầu hết đại diện Đại sứ quán các
nước Bắc Âu tham dự tọa đàm đều bày tỏ mong muốn thúc đẩy doanh nghiệp hai bên
khai thác tiềm năng thị trường của nhau, sẵn sàng làm cầu nối tích cực cho
doanh nghiệp Việt Nam XK vào thị trường này. Điều doanh nghiệp Việt Nam cần làm
là phải đáp ứng các đòi hỏi cao về chất lượng hàng hóa, an toàn vệ sinh thực
phẩm, kinh doanh có trách nhiệm…
Ông Gustav
Dahlin - Bí thư thứ 2, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam - cho hay, quan hệ
hợp tác Thụy Điển - Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn chú trọng thúc đẩy thương
mại. Đại sứ quán Thụy Điển sẵn sàng làm cầu nối cho doanh nghiệp Việt Nam tìm
hiểu thông tin, thị trường, thủ tục, chính sách cũng như các quy định về thương
mại để XK vào Thụy Điển và thị trường EU. Điều doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý
là người tiêu dùng Thụy Điển cũng có nhận thức rất cao về chất lượng, tác động
của sản phẩm đến sức khỏe, môi trường và xã hội.
Về phía
đại sứ quán Nauy, bà Elin Ullebo, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nauy tại Việt Nam
cho biết, Nauy và các nước trong khu vực Bắc Âu có sự tương đồng khá lớn về
chính sách, sự minh bạch và yêu cầu cao đối với các sản phẩm nhập khẩu vào thị
trường này. Chính vì vậy, để có thể tiếp cận đc với Nauy cũng nhu các quốc gia
Bắc Âu khác, doanh nghiệp Việt Nam cần phải chủ động tích cực tìm hiểu nắm bắt
thông tin và cải thiện chất lượng sản phẩm. Các cơ quan đại diện của Nauy sẽ
luôn rộng mở hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình đầu tư kinh
doanh.

Trong phiên hai, Hội thảo tập trung vào lĩnh vực
nuôi trồng Thuỷ sản. Ông Hannu Molsa, chuyên gia thuỷ sản Phần Lan đã trình bày
chi tiết về các công nghệ mới trong nuôi trồng thuỷ sản, các xu hướng hiện nay
tại trên thế giới và Phần Lan Bắc Âu, qua đó nhấn mạnh doanh nghiệp Việt Nam
cần cải thiện công nghệ, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm thuỷ sản. Về phía
Phần Lan, ông Hannu cho biết sẽ hỗ trợ cung cấp thông tin về ngành, kỹ thuật nuôi trồng chế biến để đưa sản phẩm
Việt Nam tiếp cận người tiêu dùng

Đại diện của dự án FLC, ông Nguyễn Tuấn Hải, Phó
Trưởng ban Quan hệ quốc tế VCCI, giám đốc Dự án FLC cho biết, trong hai năm đi
vào hoạt động, dự án đã tổ chức hàng loạt
các hoạt động thiết thực và hiệu quả như hội thảo Kinh doanh với thị
trường Bắc Âu, Toạ đàm giới thiệu tác động của các FTA, lớp học Hướng dẫn áp
dụng công cụ nghiên cứu thị trường trực tuyến v…v và nhận được sự đánh giá tích
cực của doanh nghiệp. Ông Hải cũng cho biết, sau khi dự án tạm kết thúc, Phòng
Thương mại sẽ xem xét chủ động tìm nguồn tài chính hỗ trợ và hy vọng đại sứ
quán Phần Lan vẫn tiếp tục ủng hộ cho các hoạt động của dự án. Tại Hội thảo lần
này, VCCI hy vọng doanh nghiệp sẽ tích
cực tìm hiểu thêm các thông tin về thị trường, chủ động tích cực tham gia các
hoạt động của VCCI tổ chức, liên hệ với
các đầu mối là các sứ quán Bắc Âu, Dự án FLC để có được các thông tin hữu ích
và tìm kiếm được bạn hàng tin cậy.



Trong phần Hỏi đáp, các doanh nghiệp Việt Nam
bày tỏ sự quan tâm đến việc nâng cao
công nghệ bảo quản thực phẩm mặt hàng đông lạnh để xuất khẩu sang các nước Bắc
Âu. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có nhu cầu tìm hướng đi mới trong các mặt
hàng khác như dược phẩm thiên nhiên, nông sản, cà phê.



Đại diện các Sứ quán Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch đã hết sức nhiệt tình giải đáp các câu hỏi, thắc mắc của doanh nghiệp
Dự án FLC trân trọng cảm ơn quý doanh nghiệp đã
nhiệt tình tham dự hội thảo. Chúng tôi hy vọng qua hội thảo này, cộng đồng
doanh nghiệp tại sẽ có thêm những kiến thức hữu ích để trong thời gian tới, các
doanh nghiệp có thể cạnh tranh với những doanh nghiệp nước khác thâm nhập và
kinh doanh thành công tại thị trường Phần Lan và Bắc Âu