Dự án XK Phần Lan

Tọa đàm TÁC ĐỘNG CỦA HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI VIỆT NAM – EU TỚI DOANH NGHIỆP VIỆT NAM tại thành phố Nha Trang và Phan Rang từ 3-5/10/2016
Thứ Hai /  10/10/2016

Vừa qua, từ ngày 3 – 5/10/2016, Dự án FLC 14-04 đã phối hợp với Chi nhánh tại Khánh Hòa và Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận tổ chức Tọa đàm TÁC ĐỘNG CỦA HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI VIỆT NAM – EU TỚI DOANH NGHIỆP VIỆT NAM tại thành phố Nha Trang và Phan Rang. Mục đích của Tọa đàm là nhằm cung cấp các thông tin về Hiệp định thương mại Việt Nam Eu, các cơ hội thách thức cho doanh nghiệp Việt nói chung và doanh nghiệp trong ngành thủy hải sản, đồng thời Tọa đàm cũng sẽ cung cấp các thông tin về ngành nông nghiệp Việt Nam trước ngưỡng cửa hội nhập, các mặt hành chủ yếu có nhiều thế mạnh cần được đầu tư để tìm ra hướng đi phù hợp cho sản phẩm của mình thâm nhập khu vực thị trường EU/Phần Lan, Bắc Âu vốn khắt khe và khó tính

Nội dung Tọa đàm

Tại Nha Trang, buổi hội thảo đã thu hút sự tham dự của 50 đại diện doanh nghiệp trong tỉnh và khu vực lân cận. Bà Bà Đặng Thị Thu Nguyệt - Trưởng văn phòng Đại diện. chi nhánh VCCI tại Khánh Hòa, Nha Trang tuyên bố khai mạc và giới thiệu mục đích của buổi tọa đàm và các diễn giả.

Sau phần khai mạc, ông Nguyễn Tuấn Hải – Giám đốc dự án FLC14-04, Phó Trưởng Ban QHQT/ VCCI phát biểu giới thiệu về dự án và các hoạt động xúc tiến thương mại, đào tạo, cung cấp thông tin do Dự án tổ chức trong thời gian qua. Với sự hỗ trợ của các Bộ ngành liên quan, các chuyên gia của Phần Lan và Bắc Âu cùng sự hưởng ứng, quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, Dự án đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp.



Phát biểu tại Tọa đàm, đại diện của Phái đoàn Liên Minh Eu, Bà Jana Hercer, Phó  Bí thư thứ nhất, Phó trưởng ban Thương mại và Kinh tế Phái đoàn Liên Minh Châu Âu (EU) tại Việt  Nam đã trình bày tổng quan về Hiệp định thương mại Việt Nam EU, xuất phát điểm của Hiệp định, tiến trình đàm phán và khái quan những lợi ích về thuế, thương mại mà doanh nghiệp hai bên sẽ được hưởng sau khi Hiệp định chính thức có hiệu lực. Theo bà Jana, mục tiêu của Hiệp định là loại bỏ thuế quan (tiến tới xóa bỏ hoàn toàn 99% các dòng thuế trong vòng 7 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực); xử lý các hàng rào kỹ thuật đối với thương mại; tạo ra một sân chơi bình đẳng, minh bạch hoá; tạo môi trường pháp lý thân thiện cho kinh doanh; mở cửa dịch vụ hơn nữa so với GATS; thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả về đầu tư; bảo vệ các tiêu chuẩn xã hội và môi trường.

Liên quan đến sở hữu trí tuệ, Việt Nam và EU có một số cam kết về bản quyền, phát minh, sáng chế, cam kết liên quan đến dược phẩm và chỉ dẫn địa lý… Các cam kết về sở hữu trí tuệ của Việt Nam cơ bản phù hợp với pháp luật hiện hành. Ngoài ra, hai bên cam kết cùng tuân thủ Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) của WTO và các hiệp định về Sở hữu trí tuệ khác mà hai bên là thành viên.

Đối với chỉ dẫn địa lý, Việt Nam cam kết bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý của EU, gồm các nhóm hàng rượu hoa quả, rượu mạnh, pho mát, nông sản; ngược lại EU cũng cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, bao gồm các mặt hàng nông sản, thực phẩm.

Liên quan đến thương mại dịch vụ và đầu tư, Hiệp định EVFTA hướng đến việc tạo môi trường thương mại, đầu tư thuận lợi, cởi mở cho các nhà cung cấp dịch vụ của cả hai bên.Cả hai bên đã đạt được cam kết mở cửa thị trường dịch vụ cao hơn mức đã cam kết trong khuôn khổ WTO. Ngoài ra, hai bên cùng thống nhất việc hài hòa hóa các quy định, chính sách về khuyến khích và bảo hộ đầu tư nước ngoài. Điểm nổi bật của EVFTA là cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước. Bà Jana nhấn mạnh, Hiệp định Việt Nam – Eu được hình thành dựa trên quan hệ hợp tác truyền thống tốt đẹp giũa Việt Nam và các nước EU. Trên cơ sở đó, Hiệp định này hướng đến mục tiêu quan trọng nhất là thuận lợi hóa quan hệ thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp hai nước hợp tác kinh doanh đầu tư một cách có hiệu quả nhất. EU sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều lợi ích cụ thể, củng cố vị trí của Việt Nam với vai trò như một điểm trung chuyển thuận lợi để tiếp cận vào thị trường EU. Các doanh nghiệp ta cần tận dụng tối đa những lợi ích do Hiệp định này mang lại, đảm bảo nâng cao năng lực cạnh tranh, thương hiệu sản phẩm của Việt Nam.

 

 Tiếp theo phần trình bày của bà Jana, ông Lê Kỳ Anh chuyên gia kinh tế của Phái đoàn EU tiếp tục giới thiệu về tầm quan trọng của Hiệp định Việt Nam – Eu với doanh nghiệp Việt Nam, toàn cảnh quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai bên và hướng dẫn doanh nghiệp xuất nhập khẩu truy cập, sử dụng hệ thống thông tin trực tuyến exporthelp.europa.eu để tìm kiếm các thông tin cho sản phẩm xuất khẩu. Ở phần này, đại diện của Phái đoàn EU đã sử dụng những phương pháp cụ thể như việc sử dụng các công cụ hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến EURO helpdesk để hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam nắm rõ, qua đó các nhà xuất khẩu Việt Nam có thể hiểu hết các quy định, quy chuẩn của Liên minh Châu Âu và tự mình sử dụng được các công cụ đó phục vụ cho mục đích đáp ứng các quy chuẩn về xuất khẩu.Đây là một kỹ năng quan trọng cần thiết đối với bất cứ doanh nghiệp nào đã và sẽ kinh doanh với các nước EU. Ông Kỳ Anh cũng nhận định rằng tuy có những thách thức nhất định nhưng các doanh nghiệp trong các lĩnh vực chủ chốt của Việt Nam như nông thủy sản, dệt may vẫn sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ hiệp định này. Các rủi ro nếu có đều đã được xác định và sẽ sớm có các hướng dẫn, hỗ trợ để doanh nghiệp Việt Nam chủ động trong quá trình kinh doanh.


Về phía Việt Nam, ông Nguyễn Anh Phong, giám đốc Trung tâm thông tin thuộc Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn trình bầy tổng quan về tình hình hợp tác nông nghiệp, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU. Bài trình bày cho thấy mặc dù có sản lượng xuất khẩu lớn vào các nước EU, nhưng một số mặt hàng chủ chốt của Việt Nam như cà phê, hạt điều v…v vẫn có mức gia thu mua khá thấp so với mặt bằng chung. Bên cạnh đó, vấn đề chất lượng, an toàn thực phẩm của các mặt hàng như rau quả, thủy sản còn chưa đảm bảo dẫn đến sản phẩm của Việt Nam có sức cạnh tranh còn yếu. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước, chính phủ với doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp còn hạn chế so với các nước trên thế giói. Ông Phong cũng đề xuất Doanh nghiệp cần tập trung vào các sản phẩm có nhiều tiềm năng, là thế mạnh của Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường EU như thanh long, cà phê, rau quả, tôm v…v. Các thị trường có nhiều dư địa, được hỗ trợ cao trong EU như Tây Ban Nha, Anh, Đức cũng là những địa điểm nhiều tiềm năng mà doanh nghiệp cần khai thác triệt để. Từ góc độ của Việt Nam, ông Phong nhận định Hiệp đinh thương mại Việt Nam – Eu mang lại nhiều lợi ích, cơ hội to lớn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn tòn tại các vấn đề thách thức về sở hữu trí tuệ đối với các kiến thức, kinh nghiệm truyền thống v…v. Đặc biệt vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm là vấn đề doanh nghiệp cần phải lưu ý sát sao để nâng cao chất lượng sản phẩm, yếu tố mấu chốt trong quá trình kinh doanh và hội nhập không chỉ với EU mà với tất cả các nước trên thế giới

 Trong phần Hỏi đáp, các doanh nghiệp Việt Nam nêu một số câu hỏi về vấn đề nguồn gốc xuát xứ trong ngành dệt may, làm cách nào để được hưởng lợi ích xuất xứ cộng gộp cho một số mặt hàng chủ chốt, cơ chế tự đăng ký xuất xứ..v…v.. Phía EU cho biết cơ chế tự đăng ký xuát xứ hiện nay còn đang trong quá trình nghiên cứu thực hiện, và cũng sẽ có kèm theo những điều kiện nhất định. Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu thông tin bang cách truy cập vào website của dự án FLC, EU hoặc của Bộ Công Thương để hiểu rõ quy trình hơn

 Nội dung hội thảo tại Phan Rang

Tại Phan Rang, Tọa đàm đã thu hút được hơn 50 doanh nghiệp và cán bộ của Sở Nông nghiệp, sở Công Thương tham dự, tìm hiểu thêm về nội dung Hiệp định thương mại và các vấn đề liên quan.


Ông Nguyễn Thanh Hoan -  Giám đốc Sở Công Thương Ninh Thuận đã tham gia và phát biểu khai mạc tại Hội thảo. Ông Hoan đánh giá cao sư hợp tác của VCCI và tỉnh nhà trong việc tổ chức Tọa đàm lần này, một hoạt động thiết thực và hữu ích cho doanh nghiệp tỉnh nhà trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu với thị trường EU. Ông Hoan cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các Hiệp định thương mại tự do trong quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam, đồng thời khuyến nghị các Doanh nghiệp cần chủ động, tích cực hơn nữa để nâng cao năng lực doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm nhất là các mặt hàng nông nghiệp truyền thống nhiều tiềm năng của Ninh Thuận như nho, thanh long.

 

Ông Nguyễn Tuấn Hải - Giám đốc dự án FLC14-04, Phó Trưởng Ban QHQT/ VCCI phát biểu giới thiệu về dự án và các hoạt động xúc tiến thương mại, đào tạo, cung cấp thông tin do Dự án tổ chức trong thời gian qua.


Kết thúc buổi hội thảo tại Nha Trang và Phan Rang, đại diện VCCI khẳng định VCCI cũng như dự án FLC luôn luôn cố gắng tìm kiếm những phương thức tốt nhất và hiệu quả để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập và mở rộng thị trường ra những khu vực thị trường tiềm năng và khó tính như Phần Lan và EU

 Dự án FLC trân trọng cảm ơn quý doanh nghiệp đã nhiệt tình tham dự hội thảo. Chúng tôi hy vọng qua hội thảo này, cộng đồng doanh nghiệp tại Khánh Hòa và Ninh Thuận sẽ có thêm những kiến thức hữu ích để trong thời gian tới, các doanh nghiệp có thể cạnh tranh với những doanh nghiệp nước khác thâm nhập và kinh doanh thành công tại thị trường Phần Lan và EU.

 

Trân trọng cảm ơn

 

Tag:

Tin mới

Tin khác