Tăng trưởng mạnh
Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ luôn đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Trước đây, thương mại 2 nước Việt Nam - Ấn Độ chỉ phụ thuộc vào 3 ngành hàng lớn là: Thức ăn chăn nuôi, bắp và dược phẩm, trong đó Việt Nam nhập khẩu (NK) là chủ yếu. Còn hiện nay, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu (XNK) đã có thay đổi lớn, bao trùm sang các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, thiết bị điện tử, điện thoại di động và linh kiện, máy móc thiết bị, dược phẩm, hóa chất, hàng dệt may, xơ sợi, ôtô...
Theo ông Võ Tân Thành - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Còn Việt Nam là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ trong khu vực ASEAN. Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2018 kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Ấn Độ đạt 10,7 tỷ USD, tăng 39% so với năm 2017. Ấn Độ nhập khá nhiều các mặt hàng nông sản của Việt Nam như hạt điều, gia vị, chè xanh, chè đen, lạc, thực phẩm đóng hộp; ngoài ra còn có cao su tự nhiên, hàng mỹ nghệ, vật liệu xây dựng và thiết bị vệ sinh, quần áo may sẵn… Mục tiêu nâng kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 15 tỷ USD vào năm 2020 là hoàn toàn khả thi.
Ông K. Srikar Reddy - Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Theo Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA) hầu hết các loại sợi, vải dệt thoi và vải dệt kim có thể được NK miễn thuế từ Ấn Độ từ ngày 1/1/2019. Trong khi đó, Ấn Độ là một trong những nhà cung cấp vật liệu, vải và máy móc chất lượng cao với giá cạnh tranh nhất trên thế giới và là đối tác quốc tế đáng tin cậy của Việt Nam. Cụ thể, các công ty Việt Nam sẽ có điều kiện tiếp cận thị trường khổng lồ 1,3 tỷ dân ở Ấn Độ bằng cách đầu tư vào sản xuất sợi, vải, hàng may sẵn… ở Ấn Độ. Bên cạnh đó, Chính phủ Ấn Độ cho phép đầu tư 100% vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào ngành tự động sản xuất dệt may.
Về đầu tư, tính đến tháng 12/2018, Ấn Độ xếp thứ 26 trên tổng số 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 208 dự án, tổng vốn đăng ký gần 880 triệu USD. Những dự án của Ấn Độ tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, năng lượng, khai khoáng, dược phẩm, thiết bị điện… Một số doanh nghiệp (DN) tiêu biểu của Ấn Độ đã có mặt tại Việt Nam như TATA, ONGC, Essar, Bank of India (BOI)… DN Việt Nam cũng bắt đầu có những dự án đầu tư sang Ấn Độ, tiêu biểu là dự án “Công ty phát triển đầu tư công nghệ India” của Công ty Phát triển đầu tư công nghệ FPT có tổng vốn đầu tư 150.000 USD, chủ yếu sản xuất phần mềm, thực hiện dịch vụ tin học.
Đặc biệt, ngành dược phẩm vốn là thế mạnh của Ấn Độ, hiện các DN Ấn Độ không đẩy mạnh thương mại dược phẩm sản xuất tại Ấn Độ mà còn tích cực tìm kiếm các cơ hội đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất dược phẩm ngay tại Việt Nam. Với lợi thế về khả năng sản xuất dược phẩm số lượng lớn, nghiên cứu phát triển sản phẩm cũng có thể hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin, thiết bị y tế, nguyên liệu dược phẩm; từ đó tạo điều kiện cho các DN dược phẩm Việt Nam - Ấn Độ các cơ hội hợp tác phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cơ hội bứt phá
Ông K. Srikar Reddy cho biết thêm, Ấn Độ là quốc gia đông dân thứ 2 thế giới (hơn 1,3 tỷ người), có nhiều điểm tương đồng và quan hệ hợp tác truyền thống lâu dài với Việt Nam. Các DN Ấn Độ luôn tin tưởng vào chất lượng hàng hóa cũng như uy tín của các DN Việt Nam. Ấn Độ cũng sẵn sàng hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch giữa hai nước, đặc biệt là vấn đề cấp thị thực nhằm khuyến khích các DN Việt Nam tới Ấn Độ tìm hiểu thị trường, tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh.
Đặc biệt, trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, Chính phủ Ấn Độ đã nới lỏng các định mức đầu tư FDI vào ngành này, cho phép lên tới 100% vốn FDI trong sản xuất thực phẩm... Tất nhiên còn một lưu ý quan trọng khác đó là bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, các nhà đầu tư đến Ấn Độ cũng cần tìm hiểu kỹ hơn về những tập tục, phong tục, luật pháp tại đây, nhằm hạn chế những rủi ro xảy ra trong quá trình thực hiện dự án.
Tại kỳ họp lần thứ 4 Tiểu ban Thương mại hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ do Bộ Công Thương hai nước đồng chủ trì tổ chức vào cuối tháng 1/2019 vừa qua cũng đã thống nhất hỗ trợ tối đa cho các DN cả hai nước, thành lập một cơ quan đóng vai trò đầu mối liên lạc trung gian giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Ấn Độ, nhằm chuẩn hóa thông tin về phòng vệ thương mại từ hai nước, tránh phát sinh những nhầm lẫn, sai sót không đáng có.
Một số vấn đề khác cũng được tiến hành thực hiện như việc rà soát AIFTA; dự thảo các Thông tư về quy định đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập và đăng ký thuốc sản xuất gia công; việc triển khai Nghị định số 116/2017/NĐ-CP ngày 17/10/2017 của Chính phủ về quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, NK và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô…
Nguồn: Kinhtevn.com.vn